Trang chủ Đầu tư Việt Nam – Điểm đến hấp dẫn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo toàn cầu

Việt Nam – Điểm đến hấp dẫn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo toàn cầu

bởi Linh

Tham vọng lớn trong phát triển năng lượng tái tạo

Theo Quyết định số 768/QĐ-TTg về điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, nâng tỷ trọng lên 28–36% vào năm 2030 và 74–75% vào năm 2050.

Nước này không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn hướng đến phát triển năng lượng tái tạo để xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực. Mục tiêu của Việt Nam là đạt công suất xuất khẩu 5.000–10.000 MW vào năm 2035.

Quyết định 768 khẳng định năng lượng tái tạo là trọng tâm phát triển, nhưng phải đi cùng điều kiện đảm bảo an toàn hệ thống và duy trì mức giá điện hợp lý. Việt Nam sở hữu nguồn năng lượng mặt trời đầy tiềm năng, ước tính đạt 963.000 MW, và tiềm năng điện gió ngoài khơi dọc bờ biển dài 3.260 km.

Với tiềm năng to lớn, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

TS Nguyễn Vĩnh Khương

TS Nguyễn Vĩnh Khương, Giảng viên ngành Kỹ thuật điện tử và Hệ thống máy tính tại Đại học RMIT Việt Nam

TS Nguyễn Vĩnh Khương – Giảng viên ngành Kỹ thuật điện tử và Hệ thống máy tính tại Đại học RMIT Việt Nam đánh giá rằng Quyết định 768 không chỉ thể hiện tham vọng mà còn có cơ sở thực hiện nhờ khoản hỗ trợ 15,5 tỷ USD từ Quan hệ đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng với EU và Anh.

Theo ông Khương, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, với công suất điện mặt trời và điện gió quy mô tiện ích đã đạt 19,5 GW. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những thách thức như phụ thuộc vào nhập khẩu thiết bị và sự mất cân đối giữa tốc độ phát triển nguồn và hạ tầng truyền tải.

Cơ hội từ căng thẳng thương mại toàn cầu

Dưới góc nhìn của TS Khương, những biến động từ căng thẳng thương mại toàn cầu có thể mang lại cho Việt Nam cơ hội để củng cố lĩnh vực năng lượng tái tạo. Khi các công ty trên toàn thế giới tìm kiếm những giải pháp thay thế cho hàng sản xuất từ Trung Quốc, Việt Nam có thể định vị mình như một trung tâm chiến lược về sản xuất năng lượng tái tạo.

“Việc phát triển sản xuất tấm năng lượng mặt trời, ắc quy trữ năng và những công nghệ liên quan ngay trong nước sẽ giúp giảm phụ thuộc nhập khẩu, tạo việc làm có giá trị gia tăng cao và thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, ông nói.

Việt Nam cũng đang sở hữu lợi thế về mạng lưới hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là EVFTA và CPTPP, cho phép tiếp cận nhiều thị trường lớn với điều kiện ưu đãi.

Để duy trì vị thế dẫn đầu trong năng lượng tái tạo, ông Khương khuyến nghị Việt Nam cần ưu tiên một số giải pháp như thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng cường hợp tác quốc tế, đầu tư cho nghiên cứu – phát triển và hiện đại hóa lưới điện.

Cuối cùng, theo TS Khương, Việt Nam cần thiết lập khung chính sách năng lượng ổn định, minh bạch và dài hạn để tạo sự tin cậy cho nhà đầu tư quốc tế.

Có thể bạn quan tâm