Tín dụng xanh: Chìa khóa cho phát triển bền vững
Tín dụng xanh đang được kỳ vọng trở thành một trong những lực đẩy chiến lược để thúc đẩy phát triển bền vững tại các khu công nghiệp. Để dòng vốn này thực sự phát huy hiệu quả, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý và có sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía.
Khơi thông dòng vốn xanh
Theo ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khu vực 9, đơn vị đã thường xuyên đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và mở ra cơ chế thông thoáng hơn cho các tổ chức tín dụng.
Dù đạt được những kết quả bước đầu, quy mô tín dụng xanh trên địa bàn vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế về tài chính. Thực tiễn triển khai cho thấy còn nhiều rào cản, đặc biệt trong bối cảnh các lĩnh vực đầu tư xanh như năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng hay công trình xanh thường đòi hỏi vốn đầu tư lớn và thời gian hoàn vốn dài.

Tín dụng xanh là động lực để các doanh nghiệp chuyển đổi xanh
Một thách thức khác là nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của tín dụng xanh hoặc thiếu thông tin về các chính sách ưu đãi liên quan.
Để thúc đẩy tín dụng xanh, NHNN Chi nhánh Khu vực 9 sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai hiệu quả Đề án phát triển ngân hàng xanh, nâng cao tỷ trọng tín dụng xanh trong tổng dư nợ.
Cần hoàn thiện khung pháp lý
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho rằng, dù tốc độ và tỷ lệ cho vay tín dụng xanh đã có cải thiện rõ rệt, nhưng quá trình triển khai trên thực tế vẫn đối mặt với nhiều rào cản.
Tính đến nay, danh mục phân loại xanh quốc gia vẫn chưa được ban hành, gây khó khăn trong việc xác định, thống kê và giám sát hoạt động tín dụng xanh.

Cần hoàn thiện khung pháp lý để các doanh nghiệp tiếp cận được dòng vốn xanh
Để khơi thông dòng vốn xanh, NHNN sẽ tiếp tục triển khai các nhóm nhiệm vụ theo Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Song song đó, NHNN sẽ rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển các lĩnh vực xanh.
“Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ và quyết liệt từ nhiều phía gồm: Nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng và cộng đồng, tín dụng xanh mới thực sự trở thành động lực bền vững trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng”, bà Hà Thu Giang nhấn mạnh.