Các chuyên gia cho rằng thu thuế bất động sản thứ hai là đúng với nguyên tắc thị trường nhưng với loại tài sản có tính chất đặc biệt như bất động sản thì không nên vội vàng.
>>> Hoàn thiện sắc thuế bất động sản
Mới đây, tại dự thảo thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển Thành phố, UBND TP.HCM đã đề xuất 14 nội dung về lĩnh vực tài chính ngân sách. Trong đó, đề xuất thu thuế nhà đất thứ hai trở lên tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt trong bối cảnh giá nhà vẫn tiếp tục tăng.
Theo ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers (Việt Nam), với nguyên tắc cơ bản của thị trường, việc bạn mua hai món đồ, bạn phải trả thuế cho hai món đó và chúng trở thành tài sản của bạn. Thế nhưng, khác với các loại tài sản khác, bất động sản là loại tài sản cố định hữu hình đặc biệt bởi vì đất đai và không gian là tài nguyên hữu hạn. Do đó, theo ông David, thị trường bất động sản cần có cơ chế để đảm bảo người sở hữu nhiều bất động sản hơn chia sẻ, đóng góp một cách công bằng cho xã hội.
CEO Colliers Việt Nam cho biết hình thức thu thuế với nhà đất thứ hai trở lên không mới ở các thị trường phát triển. Đơn cử như ở Anh, từ bất động sản thứ hai trở lên, dù mua để ở hay cho thuê, lệ phí trước bạ được tính bằng mức tiêu chuẩn cộng thêm khoản phụ phí 3% trên mỗi khung giá.
Hay tại Thượng Hải (Trung Quốc), người sở hữu căn hộ thứ hai trở lên phải trả một khoản thuế thường niên với bất động sản thứ hai từ 0,4% đến 0,6% giá trị tài sản, tính trên diện tích dư ra từ mức 60m2/người. Song để áp dụng hình thức này ở Việt Nam, vị chuyên gia cho rằng cần cân nhắc các đặc điểm và điều kiện của thị trường.
Vị chuyên gia cho biết giá nhà hiện đã lên rất cao, nếu áp thêm thuế có thể tiếp đà tăng cho giá nhà ở. Theo đó, CEO Colliers Việt Nam cho rằng với đề xuất áp dụng thí điểm tại TP.HCM, cần phải tính tới cách xác định người sở hữu bất động sản thứ hai trở lên, khi tài sản/hoặc giao dịch thực hiện tại TP.HCM nhưng người mua – người bán không thường trú tại đây.
>> Bất động sản miền Trung “sáng” ở phân khúc nào?
“Như bất kỳ chính sách mới nào cần có những kiến giải rõ ràng và lộ trình phù hợp để người dân hiểu rõ và làm quen. Đồng thời, việc đánh thuế bất động sản thứ hai phải đi kèm với những nỗ lực khác để cân bằng nguồn cung, ổn định lãi suất và đảm bảo khả năng tiếp cận vốn vay”, chuyên gia nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn G6 cũng cho rằng chưa thể ngay lập tức đánh thuế với bất động sản thứ hai, bởi có thể dẫn đến khủng hoảng, đóng băng kéo dài, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Theo ông Nguyễn Anh Quê, việc đánh thuế chỉ có thể áp dụng dần theo từng giai đoạn, không vội vàng khi các phương án thu thuế chưa thực sự khả thi. Ông Quê cho rằng chúng ta nên bớt lệ thuộc nhiều vào thuế bất động sản, chỉ khi nào Việt Nam thực sự trở thành một nước công nghiệp giống như các nước phương Tây thì mới nên áp dụng việc đánh thuế bất động sản thứ hai hay bất động sản bỏ hoang.
Dưới góc độ pháp lý, LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng việc có thu thuế hay không đều phải theo luật và sẽ là vi hiến khi áp dụng bởi chưa có luật.
Theo vị luật sư, nhà đất rất nhiều mà không đưa vào sản xuất kinh doanh hay sử dụng thì phải chấp nhận một mức thuế suất cao hơn, thậm chí gấp đôi gấp ba mức khởi điểm mới tạo ra sự công bằng xã hội và hướng tới sử dụng hiệu quả hợp lý nguồn tài nguyên đất đai nhà cửa. Nhưng cần phải sửa luật, phải có quy định của Quốc hội, quy định rõ ràng đánh thuế như thế nào, đánh thuế bao nhiêu cho hợp lý, công bằng.
[wpcc-script language=”javascript” type=”text/javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script type=”text/javascript”]