Tại Thái Bình các doanh nghiệp chế biến thóc gạo vẫn loay hoay, chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu.
>>>Cần xem xét, đánh giá lại một số quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo
>>>Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo
Cơ hội rộng mở
Theo Báo cáo năm 2022, lượng xuất khẩu gạo của cả nước đạt gần 7,2 triệu tấn với giá trị 3,49 tỷ USD, tăng khoảng 16% về lượng và hơn 6% về giá trị so với năm 2021. Đây là kim ngạch cao nhất sau 15 năm của ngành gạo giúp Việt Nam duy trì vững chắc vị trí top 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới.
Điều đặc biệt là gạo Việt Nam đã vươn sâu vào các thị trường có những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng như Nhật Bản, EU… và gạo thơm ST24, ST25 xuất khẩu đã có giá trên 1.000 USD/tấn, gấp hơn 2 lần giá xuất khẩu gạo trắng thông thường. Đây cũng là một năm khá thành công cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khi có nhiều đơn hàng xuất khẩu từ các thị trường lớn.
Từ nền tảng của năm 2022, các nhà xuất khẩu gạo dự báo rằng, trong năm 2023 xuất khẩu gạo sẽ có nhiều cơ hội đột phá. Cụ thể, với việc đạt giá cao vào cuối vụ, đặc biệt là cuối năm 2022 sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo có lợi thế để đàm phán hợp đồng của năm 2023. Ngoài có nền tảng là giá tốt thì ở nhiều thị trường như Philippines, Trung Quốc, châu Âu hay Bangladesh… cũng đều có nhiều triển vọng. Trong đó, với thị trường Trung Quốc, gần đây nước này thông báo sẽ mở cửa trở lại cũng được cho là một tín hiệu tích cực cho những nhà xuất khẩu gạo.
Bối cảnh xuất khẩu gạo của cả nước là thế nhưng tại Thái Bình các doanh nghiệp vẫn loay hoay tiếp cận những cơ chế, chính sách ưu đãi mà các FTA mang lại cũng như chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu được bởi đang gặp nhiều vướng mắc.
Theo thống kê, tỉnh Thái Bình có hơn 150.000ha lúa/năm, tổng sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn thóc/năm. Theo tính toán, người dân Thái Bình mới chỉ dùng hết 30-40% số lúa, gạo sản xuất ra. Số còn lại để xuất khẩu hoặc bán ra các tỉnh ngoài. Tuy nhiên, số lượng thóc, gạo được xuất khẩu lại quá ít. Các hiệp định thương mại tư do như EVFTA và RCEP có hiệu lực mở ra rất nhiều cơ hội cho nông sản xuất khẩu vào thị trường châu Âu, khu vực ASEAN và các nước đối tác RCEP nhưng các doanh nghiệp không phát huy được, rất lãng phí.
Ông Hà Mạnh Hùng – PGĐ Công ty TNHH Hưng Cúc cho rằng, dù nhu cầu sử dụng gạo của các nước trên thế giới đang tăng cao, đây chính là cơ hội lớn để các doanh nghiệp chế biến thóc gạo đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Song doanh nghiệp lại khó tận dụng vì nguồn cung nguyên liệu tại chỗ vừa thiếu về sản lượng vừa chưa đáp ứng được về chất lượng.
Doanh nghiệp tìm giải pháp vượt khó
>>>Xuất khẩu gạo quý I/2021 giảm mạnh, do đâu?
>>>Tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu gạo
Theo Công ty TNHH Liên Hạnh, không có vùng nguyên liệu chuyên canh để thực hiện chuỗi sản xuất đáp ứng đơn hàng lớn của đối tác khiến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng gạo dinh dưỡng, gạo chất lượng cao organic nhưng chúng ta chưa có quy hoạch, quy trình sản xuất để đáp ứng. Chưa nói đến xuất khẩu, ngay việc doanh nghiệp mỗi năm có nhu cầu hàng nghìn tấn gạo để chế biến thành bún, phở ăn liền… nhưng không có đủ nguyên liệu phải đi thu mua từ nhiều vùng với cước vận chuyển cao.
Đồng tình với quan điểm của Công ty Liên Hạnh, do không có vùng nguyên liệu đủ rộng nên doanh nghiệp không đáp ứng được đơn hàng xuất khẩu số lượng lớn. Công ty TNHH Hưng Cúc còn cho rằng, cái khó cho các doanh nghiệp Thái Bình cũng như khu vực phía Bắc trong hoạt động xuất khẩu gạo chính là gạo của chúng ta chưa có thương hiệu nên sức cạnh tranh không bằng gạo các nước như Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Ấn Độ…
Theo đó Công ty Hưng Cúc đã nhanh chóng có giải pháp để thích ứng, để chủ động nguồn nguyên liệu trong sản xuất ngoài việc ký hợp đồng thu mua lúa gạo với các đối tác trong và ngoài tỉnh, doanh đã mua bản quyền giống lúa T10 của Viện cây lương thực và cây thực phẩm. Ngoài ra còn liên kết với Viện di truyền Nông nghiệp nhận chuyển giao và cung ứng giống lúa cao sản như: ĐS1, DT68… cho các xã trong tỉnh Thái Bình xây dựng mô hình cánh đồng mẫu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật cho các xã triển khai dự án nhằm xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng. Đồng thời ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân, tăng cường mối liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông), từng bước chuyển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hiện đại, hiệu quả cao, khép kín từ khâu gieo trồng đến tiêu thụ sản phẩm tạo ra sản phẩm gạo sạch, chất lượng, phục vụ xuất khẩu, mang lại lợi ích cho người nông dân, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Công ty đã tập trung đầu tư, cải tạo nâng cấp nhà xưởng và hệ thống máy xay xát chế biến lúa gạo. Dàn máy xay xát của doanh nghiệp đạt công suất 12 tấn gạo/giờ, năng lực sản xuất đạt 100.000 tấn gạo/năm; máy sấy khô thóc có công suất 80 tấn/ngày. Phần lớn các công đoạn chế biến đều do máy móc tự động hóa, hệ thống quản lý đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2005.
Bên cạnh đó, ông Trần Mạnh Báo – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thái Bình SEED cho rằng, phải xây dựng vùng quy hoạch sản xuất lúa gạo, phải xây dựng hạ tầng cơ sở sản xuất, phải đào tạo nguồn nhân lực, phải đầu tư cho nghiên cứu phát triển, và phải mở rộng hợp tác.
Đa số ý kiến đều cho rằng, để ngành lúa gạo Thái Bình thực sự phát triển cần phải có sự đổi mới căn cơ từ tỉnh xuống đến các địa phương, các HTXH dịch vụ nông nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và người nông dân.
[wpcc-script language=”javascript” type=”text/javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script type=”text/javascript”]