Để thúc đẩy phát triển KT-XH, tăng cường liên kết vùng, đảm bảo an toàn giao thông, Nam Định dành nguồn lực không nhỏ đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
>>> Nam Định: Nâng tầm phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Việc đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” đang là đòi hỏi bức thiết nhằm tháo gỡ các điểm “nghẽn” và tạo đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nam Định.
Tập trung cao độ cho các dự án
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định: Với chủ trương giao thông phải đi trước một bước, tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội khác, nên những năm qua, tỉnh Nam Định đã ưu tiên và huy động nhiều nguồn lực cho việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh.
Trong đó, nhiều dự án hạ tầng giao thông huyết mạch đối nội và đối ngoại đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Nam Định như: Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc cầu Giẽ – Ninh Bình, cầu Bến Mới, cầu Đống Cao, cầu Tân Phong, cầu Thịnh Long; Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; Nâng cấp Quốc lộ 37C Nam Định – Ninh Bình – Hòa Bình và các dự án tỉnh lộ 485B, 487B, 488B, 488C,… Với đường thủy là dự án cải tạo luồng qua cửa sông Ninh Cơ và Kênh nối Đáy – Ninh Cơ thuộc Dự án phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Các dự án giao thông kể trên đã và đang giúp hiện thực hóa định hướng của tỉnh Nam Định trong việc phát triển kết cấu hạ tầng vùng kinh tế biển theo Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
Đặc biệt là thúc đẩy sự hình thành nhanh chóng các khu kinh tế với chức năng chuyên biệt theo định hướng quy hoạch của tỉnh, như: Khu kinh tế Ninh Cơ được định hướng xây dựng là trung tâm giao thương về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và cảng biển; khu kinh tế ven biển huyện Nghĩa Hưng là trung tâm sản xuất đồng bộ từ sợi, dệt, nhuộm, may mặc và thời trang. Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các đô thị ven biển như Thịnh Long, Quất Lâm, Rạng Đông phát triển thành các trọng điểm thương mại, dịch vụ, du lịch biển, nghỉ dưỡng… qua đó tạo đòn bảy cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
>>> Nam Định: Đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển
Có thể nói, đến nay hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của Nam Định đã có bước phát triển đáng kể, ngày càng hoàn chỉnh đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và tăng cường kết nối vùng.
Bên cạnh giao thông đường bộ, tỉnh Nam Định còn có Hệ thống sông gồm 04 sông lớn cấp quốc gia: Sông Hồng, sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ chảy qua địa bàn tỉnh, cùng hệ thống cảng sông, bến thủy nội địa và 15 sông địa phương với tổng chiều dài 268km đã tạo lên mạng lưới giao thông đường thủy kết nối liên hoàn. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Nam Định còn có 42 km đường sắt Bắc Nam chạy qua, với 6 nhà ga thuận lợi cho việc vận chuyển hành khách và hàng hóa.
Khơi thông tiềm năng
Những năm qua, với việc kết cấu hạ tầng giao thông có bước phát triển đột phá, ngày càng đồng bộ và hiện đại đã tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư và mở rộng không gian phát triển cho tỉnh Nam Định. Để tiếp tục hiện đại hóa mạng lưới giao thông, tạo bước phát triển đột phá về kinh tế – xã hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã đồng ý chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển, với chiều dài khoảng 24,65km theo tiêu chuẩn đường cấp I đồng bằng; tổng mức đầu tư dự kiến gần 6 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Bên cạnh đó, tỉnh Nam Định cũng đã bổ sung quy hoạch tuyến đường gom hai bên đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông kết nối liên vùng tỉnh Nam Định đến Hà Nam; tuyến đường bộ mới thành phố Nam Định đến đường trục phát triển kinh tế biển Nam Định (tuyến tránh giảm tải cho QL10) và tuyến nhánh. Bên cạnh những dự án kể trên, hiện nay tỉnh Nam Định cũng đang thực hiện khảo sát, thu thập số liệu để lập phương án phát triển thêm một số tuyến đường mới như: Tuyến đường bộ mới kết nối tuyến đường trục phát triển và quốc lộ 21; tuyến tráng quốc lộ 38B; tuyến tránh thị trấn Nam Giang, đồng thời đề xuất nâng cấp một số tuyến huyện lộ lên thành tỉnh lộ. Cùng với đó, hệ thống cảng sông cũng đang được nghiên cứu nâng cấp để nâng cao hiệu quả tiếp nhận tàu thuyền và bốc dỡ lưu chuyển hàng hóa.
Theo Đinh Xuân Hùng – Giám đốc Sở GTVT cho biết: Trong năm 2022, Sở GTVT tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất với Bộ GTVT quy hoạch thêm 3 vị trí cảng cạn gắn với các trung tâm logistics của tỉnh. Thực hiện 254 kết quả thẩm định các dự án, công trình giao thông do Sở GTVT, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh và các huyện làm chủ đầu tư đảm bảo về chất lượng, hiệu quả kinh tế kỹ thuật.
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định: Để triển khai đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng đề cao tinh thần trách nhiệm, cùng chung tay, góp sức gánh vác công việc; có vướng mắc ở đâu phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh để giải quyết. Đặc biệt, tạo mặt bằng sạch phục vụ đầu tư xây dựng; giám sát, kiểm soát, quản lý chặt chất lượng nhằm bảo đảm dự án đưa vào khai thác phát huy hiệu quả đầu tư. Mục tiêu cao nhất là hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, mở rộng, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Thời gian tới, khi những công trình giao thông quan trọng được hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ thúc đẩy phát triển du lịch của vùng kinh tế biển Nam Định nói riêng, của tỉnh Nam Định và vùng đồng bằng sông Hồng nói chung, tạo cơ hội thu hút đầu tư, tạo việc làm và góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Nam Định.
[wpcc-script language=”javascript” type=”text/javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script type=”text/javascript”]