Nội dung chính
Khổ sở vì đường đi bị hàng xóm cản trở
Nhiều người gặp rắc rối khi mảnh đất của mình không có lối đi riêng mà phải đi chung với hàng xóm. Anh Đặng Duy Linh sở hữu một mảnh đất ở xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, mua với giá 6 tỷ đồng để đầu tư. Tuy nhiên, sau khi mua, anh phát hiện ra rằng lối đi vào mảnh đất này là ngõ chung và bị hàng xóm phản đối.

Ngõ nhà anh Linh bị hàng xóm xây dựng chắn lối
Nhiều người rơi vào tình cảnh khó khăn khi không có lối đi riêng vào nhà đất của mình, và việc tranh chấp với hàng xóm trở nên gay gắt.
Anh Linh tìm hiểu và biết rằng mảnh đất này được chia từ lô đất lớn và con ngõ là đất của nhà bên cạnh cho đi nhờ. Tuy nhiên, khi anh làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hàng xóm lại cho rằng ngõ là của họ và anh không có quyền đi ngõ này.
“Muốn bán đất cũng không ai dám mua. Hàng xóm dựng cổng sắt chắn ngang ngõ, mở quán trà đá án ngữ lối vào, rồi treo biển ‘Khu vực tranh chấp, cấm đi lại’. Mỗi lần dẫn khách đến xem đất, khách không quay trở lại”, anh Linh kể lại.
Hàng xóm xây tường bịt lối đi
Tương tự, chị Kim Anh ở xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội cũng gặp phải tình cảnh tương tự khi mảnh đất của chị bị hàng xóm xây tường chắn lối đi do tranh chấp lối đi chung.

Mảnh đất của nhà chị Kim Anh bị rào chắn ngang ngõ
“Trước đây, nhà tôi chưa có nhu cầu sử dụng đến ngõ số 2, nên không đi lối đó. Khi có ý định mở lối đi ngõ số 2, gia đình tôi đã hỏi chính quyền về nguồn gốc và được biết, đây là đất công cộng do Nhà nước quản lý”, chị Kim Anh nói.
Tuy nhiên, sau khi mở lối đi sang ngõ số 2, nhà hàng xóm không để cho gia đình chị Kim Anh sử dụng, họ xây bịt lối đi và khẳng định là đất “các cụ để lại”.
Cẩn trọng để tránh phiền toái
Ông Trần Tiến Thành, chuyên gia môi giới bất động sản cho biết, việc mua đất mà không có đường đi hợp pháp có thể dẫn đến nhiều rắc rối. “Mảnh đất dù đẹp nhưng không có đường đi hợp pháp thì không thể tách thửa, không được xây dựng, không thể công chứng sang tên bình thường và không thể bán lại dễ dàng”, ông Thành nói.
Ông Quốc Bảo, đại diện sàn phân phối nhà đất Kim Điền cảnh báo: “Mua đất không có đường đi tiềm ẩn nhiều rủi ro và không phải lựa chọn tốt nhất cho việc định cư lâu dài”.
Có thể yêu cầu mở lối đi?
Luật sư Nguyễn Thụy Hân cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu thửa đất bị vây bọc bởi các bất động sản khác, không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu đất liền kề dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Việc mở lối đi có thể yêu cầu đền bù hoặc không phải đền bù, tùy thuộc vào hai bên thỏa thuận và hoàn cảnh cụ thể.
Theo chuyên gia Trần Tiến Thành, khi mua đất phải kiểm tra chắc chắn có tên đường trong bản đồ quy hoạch, có lối đi được Nhà nước công nhận, có xác nhận rõ ràng từ chính quyền địa phương thì mới nên “xuống tiền”.