Tỉnh Đắk Lắk tập trung giới thiệu các thiết bị chế biến cà phê phục vụ xuất khẩu sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá thành cao.
>>> Nhiều điểm mới trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Tuấn Hà chia sẻ kỳ vọng về Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2023 được tổ chức từ 10 – 14/3/2022. Đây là lần thứ 8 tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ hội cà phê nhằm xúc tiến đầu tư kết nối giao thương trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê và các sản phẩm nông nghiệp; quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới.
Ông Phạm Tuấn Hà cho biết: khác với những năm trước, năm nay Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột chú trọng đến các hoạt động giao thương kết nối đầu tư. Số lượng gian hàng tại lễ hội giảm khoảng 50% so với kỳ tổ chức trước, tỉnh tập trung giới thiệu các thiết bị chế biến, canh tác cà phê thông minh gắn với chuyển đổi số, kinh tế số và phát triển bền vững.
Theo ông Phạm Tuấn Hà, cà phê là loại nông sản rất quan trọng đem lại nguồn sinh kế cho người dân vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Buôn Ma Thuột được mệnh danh là “thủ phủ cà phê của Việt Nam” với diện tích và sản lượng cà phê thu hoạch hàng năm lớn nhất cả nước (hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc). Cà phê của tỉnh đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đóng góp quan trọng vào kỷ lục xuất khẩu đạt 4 tỷ USD cà phê năm 2022.
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chủ yếu là xuất thô, giá xuất bán phụ thuộc vào giá thị trường thế giới nên bấp bênh. Trong khi đó, xu thế tiêu dùng cà phê thế giới đã và đang thay đổi nhanh chóng, người tiêu dùng tại nhiều quốc gia ưa chuộng sản phẩm có thương hiệu, qua chế biến và chất lượng cao.
Năm nay, dự báo của Hiệp hội cà phê – cacao Việt Nam, xuất khẩu cà phê gặp khó khăn hơn do điều kiện khách quan như lạm phát tăng, nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu lớn giảm, trong đó có thị trường châu Âu chiếm khoảng 45% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam…
Ông Phạm Tuấn Hà cho rằng, chuyển hướng sang các mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản một cách bền vững để xuất khẩu cà phê có hàm lượng công nghệ cao, có trí tuệ và văn hoá là xu thế tất yếu. Không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng tầm giá trị thương hiệu cà phê Việt Nam mà còn góp phần xây dựng Buôn Ma Thuột thành thành phố cà phê thế giới như định hướng của Chính phủ. Chuyển đổi sản xuất và chế biến cà phê chất lượng cao góp phần khắc phục hạn chế hiện nay, giảm sự phụ thuộc vào giá bán theo thị trường thế giới để ổn định đầu ra, mang lại lợi nhuận cao, tạo giá trị bền vững cho nền kinh tế, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho nông dân.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh, trong danh mục 9 dự án đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Đắk Lắk ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có cà phê với các hoạt động đầu tư hạ tầng, sản xuất công nghệ cao.
Bên cạnh xúc tiến thương mại, tại lễ hội có các hoạt động trưng bày triển lãm chuyên ngành cà phê, tổ chức cuộc thi pha chế cà phê đặc sản nhằm phát hiện, tôn vinh, quảng bá hình ảnh các tài năng xuất sắc trong pha chế cà phê; giới thiệu, quảng bá, phát triển ngành cà phê đặc sản Việt Nam, văn hóa cà phê Việt Nam… Các hoạt động này, theo lãnh đạo tỉnh được tổ chức theo hướng lựa chọn sản phẩm chất lượng, kết tinh tinh hoa giá trị đặc trưng của cà phê đặc sản. Những sản phẩm đạt giải được các doanh nghiệp sản xuất chế biến cà phê lựa chọn tham gia các cuộc thi pha chế trên thế giới.
Trong những ngày tổ chức lễ hội, du khách đến Buôn Ma Thuột được tham gia nhiều hoạt động văn hoá, trải nghiệm đặc sắc mang đậm nét đẹp truyền thống của bà con đồng bào các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh như đua thuyền độc mộc huyện Lắk, lễ hội ánh sáng, ca kịch “Khát vọng Dam Săn”, hội thi nhà nông đua tài…
[wpcc-script language=”javascript” type=”text/javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script type=”text/javascript”]