Mới đây, Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp quốc gia phía Nam tổ chức tổng kết hoạt động năm 2022 và ký kết Hợp tác với các Trường Đại học, Cao đẳng và các doanh nghiệp tài trợ.
>> Khai giảng Khóa tập huấn cho cố vấn về nền kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Theo đó, Biên bản ghi nhớ được ký kết với các nội dung như: Các bên phối hợp cùng tham gia giảng dạy các kiến thức về kỹ năng mềm dành cho giảng viên, sinh viên; phối hợp chia sẻ kinh nghiệm để phát triển các nhóm dự án khởi nghiệp; phối hợp triển khai chương trình mentoring cho sinh viên; tham gia giao lưu chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên.
Bà Võ Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia phía Nam cho biết, với sứ mệnh Ươm mầm doanh nhân Việt, năm 2014, Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia phía Nam chính thức được thành lập, theo Quyết định của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Thành viên của Hội đồng bao gồm các doanh nhân, giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng khu vực phía Nam, với tinh thần tự nguyện đã đào tạo, chia sẻ, tư vấn cho hàng chục nghìn sinh viên tại các trường Đại học, Cao đẳng phía Nam.
Kết quả các hoạt động khởi nghiệp trong năm 2022, Hội đồng tổ chức 2.296 buổi tương đương 9.184 giờ công. Tổng số hoạt động năm 2022 nhiều hơn 2.140 giờ so năm 2021 (5.404 giờ) và nhiều hơn 3.202 giờ so năm 2020 (4.340 giờ). Tổ chức 28 lớp đào tạo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên giảng viên các trường đại học, cao đẳng, THPT.
Bên cạnh đó, là tổ chức và phối hợp các đơn vị tổ chức 15 buổi giao lưu với doanh nhân, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, tạo động lực khởi nghiệp cho sinh viên. Điều phối thành viên làm giám khảo tại 19 cuộc thi khởi nghiệp. Bố trí thành viên Hội đồng dành 248/282 giờ làm mentor hướng dẫn sinh viên phát triển bản thân với hình thức “một kèm một”. Tổng cộng có hơn 7000 sinh viên tham gia các hoạt động trên.
>> Khai giảng khóa tập huấn kỹ năng Cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho khu vực Tây Nam Bộ
Theo ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TPHCM chia sẻ, TP HCM có vai trò đầu tàu trong nền kinh tế cả nước. Do đó, việc định hướng doanh nghiệp mới, doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng năng lượng xanh là yêu cầu trong giai đoạn mới, trước những thách thức của biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam tại hội nghị COP 26. Việc sử dụng các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo thay thế năng lượng hóa thạch sẽ hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng.
Ông mong muốn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển các công nghệ tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Điều này sẽ giúp các startup lợi thế khi xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường phát triển như EU, Mỹ, Nhật Bản. Nhìn nhận về xu thế xuất nhập khẩu, ông Nam cho rằng, ngoài vấn đề chất lượng sản phẩm, giá cả, các thị trường này cũng rất quan tâm đến quá trình sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo, ứng dụng kinh tế tuần hoàn của bên xuất khẩu, thể hiện trách nhiệm với xã hội, với môi trường của nhà cung cấp. “Đây được coi là chứng chỉ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp xuất khẩu thuận lợi hơn”, ông Nam nói và mong muốn hội đồng tư vấn định hướng các startup dần đi theo mục tiêu này.
Về kết nạp thành viên mới, Hội đồng đã tổ chức kết nạp thành viên lần 1/2022 với 6 thành viên đã được kết nạp vào ngày 8/1/2022, nâng tổng số thành viên hiện có của Hội đồng lên 64 người, trong đó 50% là doanh nhân, 50% là giảng viên các trường đại học cao đẳng.
Và đưa ra kế hoạch cho năm 2023, cụ thể tăng cường kết nối với các tổ chức, nguồn lực của Nhà nước; giới thiệu sinh viên khởi nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn và các chương trình hỗ trợ vốn. Phấn đấu có hơn 5.000 sinh viên tiếp cận các hoạt động khởi nghiệp.
[wpcc-script language=”javascript” type=”text/javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script type=”text/javascript”]