Các doanh nghiệp nên có sự chuẩn bị nghiêm túc cho chiến lược phát triển xanh chứ không chỉ để tiếp cận nguồn vốn xanh. Đây chỉ là một phương tiện để doanh nghiệp hiện thực hóa chiến lược của mình.
>> “Bùng nổ” tín dụng xanh, trái phiếu xanh
Không thể nằm ngoài xu hướng xanh
Tăng trưởng kinh tế cần đi đôi với phát triển bền vững. Trên thế giới, đã có nhiều trường hợp tập trung phát triển sản xuất, kinh tế nhưng lại bỏ qua vấn đề bảo vệ môi trường và tất nhiên, đã có nhiều bài học đắt giá sau đó.
Phát triển bền vững không chỉ là vấn đề của một quốc gia, đó là câu chuyện toàn cầu. Khi các nhà đầu tư nước ngoài chú trọng vào các danh mục đầu tư xanh nhiều hơn, người tiêu dùng muốn mua các sản phẩm, dịch vụ không gây tổn hại đến môi trường. Do đó, tăng trưởng lợi nhuận đi đôi với phát triển bền vững là điều cần thiết. Chuyển đổi xanh sẽ giúp chúng ta phát triển nhanh hơn. Các sản phẩm tài chính xanh sẽ tạo điều kiện, kích hoạt nguồn vốn xanh cho hoạt động đầu tư, kinh doanh bền vững trên thị trường.
Tuy nhiên, để tiếp cận tín dụng xanh, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh sao cho phù hợp với các yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường và toàn cầu, từ đó họ sẽ có thể nắm bắt được nhiều cơ hội, đặc biệt là dòng vốn FDI “xanh”.
Ngân hàng cũng là một cá thể trong nền kinh tế, cũng không thể vận hành ngoài xu hướng bền vững chung của thị trường. Khi các ngân hàng liên tục cho ra mắt các sản phẩm tài chính xanh dành cho khách hàng, cuộc cạnh tranh này sẽ giúp hoàn thiện và đa dạng hóa các sản phẩm bền vững, không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn xanh, mà bản thân doanh nghiệp, nhà đầu tư, khách hàng cá nhân cũng sẽ có nhiều lựa chọn hơn phù hợp với nhu cầu. Nhờ thế, ngành tài chính – ngân hàng sẽ ngày càng nêu cao vai trò và có những đóng góp tích cực cho Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam.
Tôi hy vọng, Chính phủ và các Bộ ngành sẽ sớm ban hành chặng đường giảm phát thải với mục tiêu cụ thể cho các ngành phát thải cao, cũng như các quy định hỗ trợ phát triển bền vững trong các ngành này. Khi các khung pháp lý hỗ trợ phát triển bền vững trở nên rõ ràng hơn, tôi tin rằng, khối doanh nghiệp năng động của chúng ta sẽ đi trước đón đầu để được hưởng những lợi ích từ các cơ chế pháp lý này.
Hiện Chính phủ đang soạn Dự thảo quy định về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh. Đây là một bước tiến đúng hướng để tạo minh bạch cho thị trường, hỗ trợ các tổ chức tín dụng rút ngắn khoảng cách kỹ thuật trong tài trợ xanh đối với các dự án phát triển bền vững và ngăn chặn rủi ro “tẩy xanh” hiệu quả.
Chúng tôi rất mong đợi quy định này sớm được ban hành, cùng với việc chỉ định các tổ chức uy tín cung cấp các chứng chỉ xanh dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng với các mục tiêu giảm phát thải.
Ngoài ra, việc cân nhắc thuế carbon cho các ngành phát thải cao và sự ra đời thị trường tín chỉ carbon tự nguyện là cần thiết. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể thấy những rủi ro và cơ hội trong quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế phát thải các bon thấp và chuyển hóa “green premium” (những ưu đãi/lợi thế đạt được nhờ định hướng xanh) thành lợi ích kinh tế cụ thể.
>> Làm sao để doanh nghiệp mặn mà với tín dụng xanh?
Chủ động thay đổi
Từ góc độ ngân hàng, HSBC Việt Nam đã bắt đầu triển khai các hoạt động tín dụng xanh cho doanh nghiệp từ năm 2017 và đến năm 2019, chúng tôi có sản phẩm xanh đầu tiên cho khách hàng cá nhân. Danh mục sản phẩm xanh của HSBC liên tục phát triển, bao gồm cả tín dụng, trái phiếu, tiền gửi,…
Năm 2022, HSBC cam kết hỗ trợ thu xếp 12 tỷ USD tài trợ trực tiếp và gián tiếp cho các hoạt động phát triển bền vững tại Việt Nam đến năm 2030. Cho đến nay, HSBC đã đạt được khoảng 13% mục tiêu này, thông qua việc hợp tác hiệu quả với các doanh nghiệp trong và ngoài nước như Vingroup/Vinfast, Đông Hải Bến Tre, REE, Viettel IDC, Leo Việt Nam,… Đây là những doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất định, việc chuyển đổi xanh của họ sẽ giúp các lĩnh vực của nền kinh tế phát triển bền vững hơn.
Ngoài ra, thời gian vừa qua, HSBC cũng đã trao đổi Bản Ghi Nhớ (MOU) chương trình hợp tác về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, HSBC Việt Nam sẽ hỗ trợ Bộ TN&MT xây dựng phương pháp tiếp cận thực tế trong việc hiện thực hóa các chiến lược cho phù hợp với các mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam, cũng như xây dựng cơ cấu để mở ra các nguồn tài chính quốc tế nhằm hỗ trợ các mục tiêu này.
Như vậy, các doanh nghiệp nên có sự chuẩn bị nghiêm túc cho chiến lược phát triển xanh chứ không chỉ để tiếp cận nguồn vốn xanh. Nguồn vốn xanh chỉ là một phương tiện để doanh nghiệp hiện thực hóa chiến lược phát triển xanh của mình.
Ví dụ, về nguồn lực, tôi nghĩ rằng phát triển xanh cần sự tư duy và chia sẻ trách nhiệm từ cấp quản lý tới vận hành, xuyên suốt các khâu từ chiến lược, thu mua nguyên liệu, sản xuất, phân phối,… chứ không chỉ là việc của phòng tài chính kế toán.
Mặc dù các quy định hiện hành chưa tạo sức ép cho doanh nghiệp phải chuyển dịch xanh, nhưng các doanh nghiệp nên chuẩn bị tâm lý. Một khi những thay đổi pháp lý đó xảy ra, có thể diễn ra với tốc độ rất nhanh và quy mô lớn. Do đó, doanh nghiệp nên chủ động nghiên cứu các xu hướng giảm phát thải trong ngành để tìm những hướng đi tiên phong mới, thay vì bị động trước các thay đổi pháp lý.
*Bà Lương Phương Mai, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp lớn Khu vực phía Nam và Bất Động Sản, HSBC Việt Nam
[wpcc-script language=”javascript” type=”text/javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script type=”text/javascript”]