Tỉnh Hải Dương xây dựng mục tiêu chuyển đổi số nhằm xây dựng đồng bộ chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số để quyết định thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển nhanh và bền vững.
>>> Hải Dương: Doanh nghiệp cần tăng cường liên kết ứng dụng công nghệ cao
Thúc đẩy lộ trình chuyển đổi số
Tỉnh Hải Dương xác định mục tiêu chuyển đổi số (CĐS) giai đoạn 2021-2025 nhằm xây dựng đồng bộ chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số thực sự trở thành động lực quan trọng, quyết định thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển nhanh và bền vững; góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan trong hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp và đời sống của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025 đưa Hải Dương thuộc nhóm 20, đến năm 2030 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Là một trong những địa phương ban hành sớm Nghị quyết về CĐS và cũng là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước tổ chức Ngày CĐS, Hải Dương đã thể hiện quyết tâm cao trên lộ trình CĐS nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển tỉnh.
Bà Lê Thị Quyên – TP Hải Dương chia sẻ: “Smart Hải Dương mang đến cho người dùng những thông tin thời sự đáng quan tâm diễn ra trong tỉnh. Có thể chưa đầy đủ, song đây là những thông tin hữu ích. Ngoài ra, sau khi cập nhật phiên bản mới, ứng dụng cho phép người dùng đăng tin mua-bán sản phẩm. Đây có thể là kênh thương mại điện tử đầy tiềm năng”.
Do nhu cầu công việc, chị Nguyễn Thị Thành – Tứ Kỳ Hải Dương chia sẻ: Thường xuyên có mặt tại Bộ phận “một cửa” của huyện. Để thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, những người như chị Thành chỉ cần nộp hồ sơ tại Bộ phận “một cửa” thay vì phải thực hiện trực tiếp nhiều khâu như trước. “Kết quả sẽ được gửi trả tận nhà. Nộp tiền thuế cũng được thực hiện qua mạng. Rất nhanh chóng, tiện lợi. Có thắc mắc hay khó khăn gì cũng đều được giải đáp kỹ càng”, chị Thành cho biết.
Gần 6 năm qua, tất cả các thiết bị điện tử của gia đình bà Trương Thanh Tú – Chí Linh đều được kết nối internet. Từ dịch vụ truyền hình internet cho đến điện thoại sử dụng wifi. Cuộc sống sinh hoạt thường nhật của gia đình bà cũng từ đó thêm nhiều niềm vui mới. “Con cái tôi thường đi làm xa, cứ mỗi khi nhớ con nhớ cháu tôi lại dùng điện thoại thông minh gọi video. Dịch vụ viễn thông gia đình tôi sử dụng chất lượng ổn định, gặp sự cố được xử lý rất nhanh chóng, kịp thời”, bà Tú chia sẻ.
Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều minh chứng cụ thể, rõ nét về sự lan tỏa công nghệ số tới mọi mặt của đời sống. CĐS nói một cách dễ hiểu hơn là những nền tảng, công nghệ thông tin đã và đang làm đổi thay cuộc sống của người dân Hải Dương theo hướng tích cực.
Với quan điểm nâng cao chất lượng phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, trong thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo, điều hành xây dựng thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương: Tỉnh đã tập trung nguồn lực để triển khai đề án xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Tập trung phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông, chuyển dịch sang hạ tầng công nghệ thông tin-truyền thông (Information and Communication Technology – ICT). Toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 trạm thu phát sóng di động (BTS), góp phần phủ sóng thông tin di động 3G, 4G đến 100% số dân; hơn 2,1 triệu thuê bao di động, hơn 1,5 triệu thuê bao internet băng rộng; đường truyền internet cáp quang băng rộng được triển khai đến gần 340.000 gia đình. Đặc biệt, 4 trạm phát sóng 5G đã được phát sóng thử nghiệm phạm vi hẹp trên địa bàn TP Hải Dương, tiến tới lắp đặt, phát sóng thêm 6 trạm 5G khác trong tỉnh.
Lợi ích từ công nghệ
Ông Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Một trong những điểm mấu chốt của CĐS là hạ tầng ICT. “Nền tảng hạ tầng ngày càng đồng bộ, vấn đề bảo mật, an toàn thông tin trên không gian mạng luôn được bảo đảm đã và đang góp phần nâng cao chất lượng phương thức quản lý. Giúp người dân, doanh nghiệp cải thiện đáng kể hiệu quả sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ”.
Theo ông Thắng: Hàng loạt thỏa thuận hợp tác về CĐS được ký kết giữa tỉnh với nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn, cơ quan nhà nước sử dụng nền tảng chia sẻ dữ liệu tích hợp, doanh nghiệp ứng dụng phần mềm trong quản lý, điều hành, người dân, hộ nông dân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt được thúc đẩy từ các ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng. Hiệu quả, lợi ích mang lại cho toàn cộng đồng. Những “mảnh ghép” đó đang dần tạo nên bức tranh CĐS đậm nét của tỉnh thời gian qua.
Để không lỡ nhịp cầu số, năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện đề án xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh. Hoàn thiện nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu của tỉnh; triển khai kho dữ liệu dùng chung; phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở. Nâng cao vai trò đi đầu của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trong tỉnh, từ đó lan tỏa công nghệ tới người dân, doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư, phát triển thương mại điện tử. Tiếp tục nâng cao tính năng trong ứng dụng Smart Hải Dương, Hải Dương ID…
CĐS là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, hành động từ chính quyền đến người dân, doanh nghiệp là cách mà Hải Dương đã, đang và tiếp tục triển khai, với mục tiêu không bỏ lỡ nhịp cầu số.
Nhờ chuyển đổi số các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, trong đó có vải thiều đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng như: Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Alibaa, Voso, Viettelpost và được tiêu thụ rất tốt; tất cả sản phẩm vải quả bán ra thị trường cả trong và ngoài nước đều được dán tem QR code truy xuất nguồn gốc.
Theo tổng hợp từ Hệ thống chỉ số thực hiện 1034, đến nay, tỉnh Hải Dương có gần 1500 ngàn hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Tróng đó có khoảng gần 800 sản phẩm của tỉnh được đưa lên sàn.
Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong lộ trình chuyển đổi số bằng việc ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ lớn như Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT, Liên minh SAIGONTEL-NGS; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng Công ty viễn thông MobiFoe… ; ra mắt Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh; thành lập Tổ chỉ đạo triển khai công nghệ số cộng đồng; khai trương website về chuyển đổi số tại địa chỉ chuyendoiso.haiduong.gov.vn…,
Với sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành, việc phát triển các dịch vụ chuyển đổi số đã góp phần thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền. Đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, đưa chính quyền tới gần người dân – doanh nghiệp và ngược lại.
Với khát vọng phát triển, bằng sự quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị và sự đồng lòng, ủng hộ của người dân trong tỉnh, nhất định chuyển đổi số ở tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong thời gian tới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết 06-NQ/TU cũng như quan điểm phát triển bao trùm tăng trưởng xanh và chuyển đổi số mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
[wpcc-script language=”javascript” type=”text/javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script type=”text/javascript”]