Theo chuyên gia, mặc dù Fed tăng lãi suất và sức ép lạm phát vẫn còn lớn, nhưng cũng đã giảm đi nhiều, nên việc điều hành chính sách tiền tệ thông qua công cụ lãi suất của NHNN sẽ có nhiều dư địa hơn.
>> Fed tăng nhẹ lãi suất, USD sắp xóa sạch thành quả tăng
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên biên độ 4,5-4,75% mới đây cũng ít nhiều tạo ra phản ứng đối với nền kinh tế toàn cầu. Trong khi cơ quan này còn cho thấy có rất ít dấu hiệu gần chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất của mình.
Ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính đánh giá, trong những lần tăng lãi suất trước đó, Fed có 2 lần liên tiếp tăng lãi suất 0,75% làm cho thị trường tài chính chao đảo, trong đó có cả Việt Nam.
Lãi suất của Fed trong năm 2023 sẽ không giảm mà xoay quanh con số 5% hoặc hơn 5% một chút. Như vậy, những kỳ họp sắp tới sẽ vẫn tiếp tục là mức tăng 0,25% nữa và neo ở mức cao như vậy. Nhìn vào lộ trình này chúng ta có thể hình dung trong năm 2023 dự kiến lãi suất điều hành Fed ra sao.
Về tác động khi lãi suất tăng, thì giá của trái phiếu giảm đó là nguyên tắc căn bản trong thị trường tài chính, bởi vì trái phiếu là một loại hình chứng khoán hưởng lợi tức cố định. Ở Việt Nam cũng vậy, nhưng câu chuyện đặt ra là Việt Nam sẽ ứng xử như thế nào khi Fed tăng lãi suất.
Thực tế khi lãi suất áp dụng trên thị trường tăng sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế nói chung. Xét về mặt tổng thể, riêng quý 4/2022 các doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận giảm 38% so với cùng kỳ với nguyên nhân chính là do nền lãi suất tăng.
Sự sụt giảm đó đã cho thấy sự ảnh hưởng rõ rệt và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải cân đối giữa việc duy trì ổn định tăng trưởng kinh tế với những biến số như lạm phát, tỷ giá.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tỷ giá đang rất ủng hộ đối với Việt Nam khi có những giai đoạn tỷ giá VND/USD tăng trên 25.000 đồng, nhưng đến nay đã quay trở lại mốc thấp hơn cả mốc hồi đầu năm 2022.
Trong năm nay, sức ép lạm phát vẫn còn lớn, nhưng đã giảm đi nhiều so với thời điểm đỉnh, vì vậy việc điều hành chính sách tiền tệ thông qua công cụ lãi suất của NHNN sẽ có nhiều dư địa và bớt áp lực hơn. Hy vọng NHNN sẽ không tăng lãi suất ít nhất là trong nửa đầu năm 2023.
“Về xu hướng tăng giá của đồng USD, Fed tăng lãi suất gây sức ép đến toàn cầu khiến đồng USD mạnh lên, nhưng chính vì đợt tăng đỉnh đó đã gây ra một đợt sụt giảm tương đối. Song, nó vẫn nằm trong xu hướng cao.
Chúng ta cũng cần nhìn nhận câu chuyện Fed tăng lãi suất có còn là vấn đề lớn nữa không? Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã tăng lãi suất hay Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng tăng lãi suất điều hành 0,5%. Điều này tác động đến cân bằng tỷ giá và từ đó tác động đến chỉ số DXY. Do đó, đồng USD sẽ không còn lập đỉnh như năm 2022 nhưng để sụt giảm mạnh thì có thể là chưa đến thời điểm”, vị chuyên gia dự báo.
Cũng theo ông Long, cuối năm 2022 chúng ta nói nhiều về suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng đến nay điều này đã ít xuất hiện trên các phương tiện thông tin. Mọi người cũng đã giảm bớt lo ngại về suy thoái, mặc dù các nguy cơ vẫn còn nhưng điều này chỉ mang tính tâm lý nhiều hơn.
Đối với thị trường vàng, trước thời điểm Fed tăng lãi suất, giá vàng tăng rất mạnh, nhưng hiện tại giá vàng đang có xu hướng giảm trở lại. Cụ thể, giá vàng thế giới sáng ngày 4/2 giảm hơn 50 USD/ounce, tuột khỏi ngưỡng 1.900 USD/ounce khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo lao động tháng 1/2023 đầy tích cực. Điều đó phản ánh câu chuyện sự lo sợ về suy thoái kinh tế toàn cầu đã giảm bớt.
>> Bước ngoặt mới của chính sách tiền tệ toàn cầu
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các dự báo trước tình hình năm 2023 đang cho thấy năm 2023, mức nâng lãi suất của Fed sẽ không còn cao như năm 2022. Do đó, động thái nâng lãi suất của Fed trong năm nay có khả năng sẽ không nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam.
“Năm nay, đồng USD sẽ được duy trì ở mức cầm chừng, thậm chí có xu hướng giảm giá. Hiện tỷ giá VND đang ở mức ổn định so với USD. Chính vì vậy trong thời gian tới, NHNN có thể đẩy mạnh mua vào đồng USD và chủ động hơn, linh hoạt hơn trong các chính sách điều hành, qua đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nói.
Trước đó, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà đã cho biết định hướng điều hành của NHNN trong thời gian tới, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Với việc lạm phát đã có dấu hiệu đạt đỉnh tại nhiều quốc gia giúp các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là Fed tuyên bố sẽ làm chậm lại lộ trình tăng lãi suất từ năm 2023, có thể thấy áp lực này đã phần nào giảm bớt lên chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Theo ông Hà, dự báo lãi suất của Fed sẽ chạm đỉnh quanh 4,9-5,1% vào giữa năm 2023, tức cơ quan này sẽ chỉ tiếp tục tăng từ 0,4-0,6 điểm phần trăm trong nửa đầu năm 2023. Đây có lẽ cũng là cơ sở cho dự báo lãi suất có thể tăng thêm 0,5 điểm phần trăm trong năm sau của hầu hết các tổ chức.
Khi lộ trình tăng lãi suất của Fed chậm lại, triển vọng của đô la Mỹ cũng không còn quá hấp dẫn như trước, nên mức độ ảnh hưởng lên tỷ giá trong nước cũng sẽ giảm dần, áp lực tăng lãi suất để duy trì sức hấp dẫn của tiền cũng sẽ không còn quá lớn.
“Có lẽ yếu tố lạm phát mới là áp lực đáng kể nhất lên xu hướng lãi suất dù Việt Nam trong năm 2022 đã khá thành công trong việc kiềm chế lạm phát, tuy nhiên với đặc thù nền kinh tế có độ trễ nhất định so với thế giới, áp lực lạm phát trong nước có thể sẽ bắt đầu gia tăng mạnh hơn và cần được chú ý”, ông Phạm Thanh Hà cho biết.
[wpcc-script language=”javascript” type=”text/javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script type=”text/javascript”]