Trong điều kiện tài chính của startup còn hạn chế, nhiều chuyên gia đã khuyến nghị giải pháp chia sẻ tương lai của doanh nghiệp thông qua Chương trình quyền chọn cổ phiếu (ESOP).
>> Nhìn nhận thị trường cạnh tranh như thế nào?
Thách thức với khởi nghiệp
Nhiều quốc gia coi khởi nghiệp sáng tạo như một động lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế, thay vì sử dụng đầu tư nước ngoài, thương mại quốc tế hoặc cầu nội địa. Trong đó, nguồn lực tài chính là một trong những cấu phần quan trọng của hệ sinh thái hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, nguồn tài chính đầu tiên thường xuất phát từ vốn của chính họ và của các cộng sự, người thân. Sau giai đoạn này, ngoài nội lực thì các doanh nghiệp có thể quan tâm tới các nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân chuyên nghiệp khác, đặc biệt là thị trường vốn dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Trong giai đoạn vừa qua, sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc, nhưng đã xuất hiện hàng loạt các biến động, bất ổn trên toàn cầu, giáng những đòn mạnh vào các doanh nghiệp khởi nghiệp. Dòng vốn rót vào các doanh nghiệp này giảm sút đáng kể. Số liệu từ Crunchbase cho thấy, vốn đầu tư mạo hiểm trong quý 3/2022 đã giảm đáng kinh ngạc 33% so với quý trước và 53% so với cùng kỳ năm 2021. Có nhiều công ty đã phải đóng vửa mãi mãi, tạo ra tâm lý e ngại cho cộng đồng khởi nghiệp.
Tại thị trường Việt Nam, theo ông Huỳnh Công Thắng, đồng sáng lập và CEO của InnoLab Asia đánh giá, tổng vốn mà các startup gọi được trong năm 2022 giảm hơn năm 2021 từ 30 – 40% và trong năm 2023, con số này sẽ còn sẽ giảm nhiều hơn nữa.
Nguyên nhân chính dẫn tới bức tranh thị trường startup tại Việt Nam trong năm nay không mấy tốt đẹp là lạm phát, căng thẳng địa chính trị Nga – Ukraine và suy thoái kinh tế. Điều này đã khiến dòng tiền từ các quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bị ngưng lại.
“Ngoài ra, có một điều cần phải xem xét chính là thực trạng các công ty công nghệ lớn tại Mỹ đang bị giảm giá trị mạnh. Điều này cho thấy, giá trị của các công ty này tăng vọt trong năm 2021 do Covid-19 khi gặp suy thoái sẽ thực sự trở về với giá trị thật vốn có của nó.
Trong năm 2023, dòng tiền sẽ không chỉ tới từ các quỹ đầu tư mà sẽ tới rất nhiều từ các doanh nghiệp lớn. Lý do chính là các tập đoàn sẽ có xu hướng tìm các startup nhằm tối ưu hóa chi phí”, ông Thắng cho hay.
>> “Ẩn số” đằng sau việc phát hành cổ phiếu ESOP
Đi tìm giải pháp
Chính vì vậy, các startup phải có một giá trị nội lực, có sản phẩm, dịch vụ đủ tốt mới thu hút được các nhà đầu tư, từ đó có thể duy trì và phát triển.
Ông Ryu Muramatsu, đối tác sáng lập của GMO Venture Partners chia sẻ với Nikkei Asia rằng, các công ty khởi nghiệp đã thực hiện “bước ngoặt 180 độ trong hoạt động kinh doanh” khi các nhà đầu tư ưu tiên tạo ra lợi nhuận và dòng tiền tự do sớm hơn nhiều so với trước đây. Ông mô tả thị trường gọi vốn đã trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ.
“Tư duy của các nhà đầu tư đang thay đổi, họ hướng tới lợi nhuận, nhiều công ty, đặc biệt là những công ty ở giai đoạn series B trở đi, đang đặt trọng tâm nhiều hơn vào việc chuyển lợi nhuận”, ông Ryu Muramatsu nói.
Trong điều kiện tài chính đầu tư ban đầu của startup còn hạn chế và bản thân giải pháp tiền lương cao chưa tạo được động lực mạnh, nhiều chuyên gia đã khuyến nghị giải pháp chia sẻ tương lai của doanh nghiệp thông qua chương trình Quyền chọn cổ phiếu (Employee Stock Option Program – (ESOP).
Tại Hội thảo “Kinh nghiệm của Nhật Bản trong hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo” vừa qua, bà Minami Chika, Giám đốc Bộ phận Chính sách khởi nghiệp, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản – METI phân tích, đây là chế độ mà trong đó việc phát hành quyền chọn mua cổ phiếu đáp ứng các yêu cầu nhất định (như chế độ thuế) và người lao động sẽ được hưởng quyền lợi sau: Hoãn thuế thu nhập cho đến thời điểm bán cổ phiếu đối với phần chênh lệch giữa giá thị trường của cổ phiếu được mua tại thời điểm thực hiện quyền và giá thực hiện quyền; Đánh thuế phần chênh lệch giữa giá bán và giá thực hiện quyền dưới dạng thu nhập từ chuyển nhượng tại thời điểm bán cổ phiếu.
Nhân viên tại các doanh nghiệp startup thường không có đủ thu nhập bằng tiền mặt tại thời điểm thực hiện quyền, vì vậy nếu đánh thuế tại thời điểm thực hiện quyền trước khi chuyển đổi thành tiền mặt thì họ cần có tiền vốn để nộp thuế. Do đó, có nguy cơ buộc phải bán sớm cổ phần đã có được thông qua việc thực hiện quyền. Chế độ thuế này giúp nâng cao sự thuận tiện và hấp dẫn của quyền chọn cổ phiếu, góp phần thu hút nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp startup thì quyền chọn cổ phiếu có hai khía cạnh gồm: Một là phần thưởng, bù đắp dưới hình thức phần thưởng bổ sung trong tương lai cho phần thưởng không thể trả bằng tiền mặt tại các doanh nghiệp startup thiếu tiền mặt; và hai là gia tăng động lực của nhân viên bằng cách chia sẻ lợi nhuận tiềm năng giữa tổ chức phát hành với nhân viên.
“Khi chúng tôi tiến hành khảo sát đối với các nhân viên đang làm việc tại doanh nghiệp J-Startup, đã có ý kiến cho rằng quyền chọn cổ phiếu có những tác động đáng kể với nhân sự khi tìm việc hoặc chuyển việc như: Thứ nhất, khi được cấp quyền chọn cổ phiếu, nhân viên cảm thấy có động lực cùng với những kỳ vọng trong tương lai, giúp nhân viên có cảm giác gắn bó với công ty, trở thành lý do để kiên trì ngay cả trong những tình huống khó khăn.
Thứ hai, các doanh nghiệp startup thường không có chế độ trợ cấp thôi việc,… Quyền chọn cổ phiếu là giải pháp thay thế cho mạng lưới an toàn đó.
Thứ ba, nó có thể trở thành tài sản trong tương lai nên có ưu thế đối với quyết định lựa chọn doanh nghiệp của nhân sự.
Thứ tư, tại các doanh nghiệp startup, phần lớn mọi người làm việc để hiện thực hóa tầm nhìn của mình. Tuy nhiên, trong quá trình hiện thực hóa tầm nhìn đó, khi khó có thể tăng mức lương do thiếu tiền mặt thì quyền chọn cổ phiếu là một phương tiện rất hiệu quả giúp lấp đầy khoảng trống giữa giá trị thị trường của bản thân và mức lương được trả, vì nó sẽ mang lại lợi nhuận lớn khi đạt được những thành công nhất định trong kinh doanh”, bà Minami Chika nói.
Tuy nhiên, vấn đề mà các doanh nghiệp cần lưu ý là mô hình ESOP cũng có những hạn chế nhất định như chỉ có thể áp dụng đối với mô hình công ty cổ phần. Đồng thời, khi phát hành quyền chọn mua là các doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện nhất định về phát hành chứng khoán theo quy định của Luật chứng khoán.
[wpcc-script language=”javascript” type=”text/javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script type=”text/javascript”]