>>> Loạt ông lớn địa ốc đề xuất cho phép cơ cấu nợ

Ngày 08/2/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, để bàn thảo và đưa ra giải pháp về tín dụng cho thị trường BĐS. DĐDN đã trao đổi cùng TS Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam về các tác động đến thị trường.

Các động thái tích cực để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS vẫn đang được Chính phủ tiếp tục triển khai, ông đánh giá như thế nào về điều này?

Những động thái phản ứng kịp thời của Chính phủ hồi cuối năm 2022 và đầu năm nay đã tiếp tục tạo thêm niềm tin phục hồi cho thị trường BĐS.

Có thể nói tháo gỡ những vướng mắc cơ bản thị trường BĐS đang gặp phải gồm pháp lý, điểm nghẽn về vốn, củng cố niềm tin… thị trường chắc chắn sẽ cân bằng trở lại.

Cuối năm 2022, các cuộc họp để tìm cách gỡ khó cho thị trường đã được tổ chức, Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt để giải cứu thị trường, từ quan sát của Hiệp hội, hiện tại các tác động ra sao thưa ông?

Thực tế, hiện nay các tác động cụ thể chưa có sự rõ nét, nhưng các động thái tích cực của Chính phủ đã tác động mạnh mẽ về mặt tâm lý trên thị trường, các doanh nghiệp cũng đang chờ đợi những sự thay đổi về chính sách.

Đặc biệt, Tổ công tác của Chính phủ đang rốt ráo nhiều hoạt động, song có những điểm vướng mắc từ những nút thắt của các quy định vĩ mô, chính sách pháp luật tạo ra, là những điểm rất khó để tháo gỡ.

Trong khi đó, các luật hiện nay vẫn đang trong quá trình được xem xét, “mổ xẻ” để sửa đổi, nên việc đồng bộ các luật vẫn còn là vấn đề dài hơi. Tổ công tác hiện nay cũng đang nghiên cứu những vấn đề vướng mắc, chồng chéo, bất hợp lý để kiến nghị sửa đổi.

Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp đang tin tưởng vào các động thái tích cực từ Chính phủ, Tổ công tác đặc biệt và kỳ vọng những giải pháp mới sẽ được công bố trong tháng 2 này.

Thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn cả về pháp lý và nguồn vốn đầu tư. Ảnh: Doãn Thành

Thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn cả về pháp lý và nguồn vốn đầu tư. Ảnh: Doãn Thành

– Chúng ta đã “mổ xẻ” những khó khăn của thị trường hồi cuối năm qua, vậy trong lần họp tìm giải pháp sắp tới, theo ông đâu là những mục tiêu cụ thể?

Vấn đề cốt lõi đầu tiên cần giải quyết là vấn đề về tín dụng. Năm 2022, để đảm bảo giữ được tỷ lệ lạm phát ổn định và tỷ giá hối đoái ổn định thì buộc Chính phủ phải áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ và đẩy lãi suất lên. Trong thời điểm này, để điều chỉnh hạ lãi suất là rất khó, và phụ thuộc nhiều yếu tố vĩ mô, và tình hình thế giới.

Chúng ta đang thực hiện các chính sách để bảo vệ an toàn nền kinh tế. Do đó, các chính sách thắt chặt vẫn phải thực hiện. Song, chúng ta vẫn cần bơm được vốn vào nền kinh tế để kích hoạt các hoạt động phát triển kinh tế phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân chúng.

Dòng tín dụng này sẽ không bơm ồ ạt như thời gian trước, xác định rõ mục tiêu mà nguồn vốn hướng đến. Mà trong đó các mục tiêu cần thiết được ưu tiên phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, nhà ở cho thuê. Các chủ đầu tư mà tham gia trong phát triển các loại hình này thì cần phải có những chính sách đặc biệt hơn với lãi suất thấp hơn.
Đối với các hoạt động khác như nhà ở thương mại, nhà ở cao cấp, nhà ở để đầu tư kinh doanh, chủ đầu tư có thể tiếp cận với vốn vay, nhưng phải với lãi suất cao hơn.

Tiếp đến là giải quyết các vấn đề liên quan đến trái phiếu. Tháng 9/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 153/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, Nghị định 65 đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất lớn, trong khi hệ thống cộng đồng đầu tư, trong đó có cả doanh nghiệp cũng như là các nhà đầu tư, các nhà phát hành trái phiếu đều chưa đáp ứng được tính chuyên nghiệp. Điều này vô hình chung khiến hoạt động phát hành trái phiếu gần như bị chững lại.

Do đó, việc xem xét sửa đổi Nghị định 65 trong thời gian tới cần đưa ra được lộ trình, có giai đoạn để nhà đầu tư chuẩn bị, tạo ra một hệ thống hạ tầng, một nền tảng mà Nghị định 65 đòi hỏi bắt buộc. Tạo nên sự dễ thở hơn cho các doanh nghiệp trong việc phát hành trái phiếu đúng pháp luật.

– Sự quyết liệt của Chính phủ gỡ khó cho thị trường BĐS sẽ mang đến những kỳ vọng mới cho thị trường, thưa ông?

Cũng giống như thời điểm khủng hoảng thị trường BĐS năm 2013, rất nhiều quy định, chính sách của Chính phủ tại thời điểm ấy được ban hành để phá băng thị trường, và bây giờ cũng như vậy.

Các chính sách sẽ hướng đến việc giải bài toán khó cho các địa phương và doanh nghiệp trong việc tiếp tục triển khai các dự án để đưa hàng hóa vào thị trường.

Những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đang mang đến những tín hiệu tích cực, khiến các cơ quan liên quan cũng phải vào cuộc. Ngay như Ngân hàng Nhà nước cũng bắt đầu họp, gặp gỡ doanh nghiệp, gặp gỡ hiệp hội, để bàn thảo và đưa ra giải pháp về tín dụng, đó chính là câu chuyện thực thi những chỉ đạo của Chính phủ.

Các doanh nghiệp và các bên trong thị trường cũng đang hết sức hy vọng và trông đợi với tâm thế sẵn sàng.

– Xin cảm ơn ông!

[wpcc-script language=”javascript” type=”text/javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]

Đánh giá của bạn:

[wpcc-script type=”text/javascript”]