Chỉ với 100 cổ phiếu được giao dịch và với 5 phiên tăng trần liên tiếp, VNZ đã trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
>>>Trước giờ lên sàn, VNG bị buộc bồi thường hơn 15 tỉ đồng vì vi phạm bản quyền
Trong những ngày qua, cổ phiếu của Công ty CP VNG (UpCOM: VNZ) đang dậy sóng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khi đang có đợt tăng trần 5 phiên liên tiếp, đạt thị giá 587.500 đồng/cổ phiếu (chốt phiên ngày 7/2). Qua đó, đưa vốn hóa thị trường của “kỳ lân” công nghệ này đạt hơn 21.058 tỷ đồng.
Điều đáng nói là trong mỗi phiên, khối lượng cổ phiếu giao dịch chỉ đều đặn 100 cổ phiếu được khớp lệnh. Như vậy, chỉ với 100 cổ phiếu giao dịch mỗi phiên cũng đã đẩy vốn hóa thị trường của doanh nghiệp này tăng gần gấp 3 lần sau 1 tháng cổ phiếu được niêm yết trên sàn UpCOM.
Theo đó, cổ phiếu VNZ chính thức được niêm yết trên sàn UpCOM từ ngày 5/1, với giá tham chiếu 240.000 đồng/cổ phiếu. Với tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết là 35.844.262 cổ phiếu, tương đương với vốn hóa thị trường tại ngày niêm yết là hơn 8.602 tỷ đồng.
Sau 13 phiên trắng thanh khoản, không có giao dịch, cổ phiếu VNZ bất ngờ tăng trần hết biên độ lên 40%, tương đương với tăng 96.000 đồng, lên mức giá 336.000 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 1/2, với đúng 100 cổ phiếu được khớp lệnh.
Từ đó đến nay, cổ phiếu này đã có 5 phiên tăng trần liên tiếp, với mức tăng 14-15% mỗi phiên, khối lượng cổ phiếu giao dịch cũng chỉ 100 cổ phiếu/phiên, qua đó, đưa thị giá cổ phiếu VNZ lên mức giá 587.500 đồng/cổ phiếu và trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đà tăng đáng kinh ngạc của cổ phiếu này diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam không mấy khởi sắc, cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2022 khá ảm đạm, với mức lỗ kỷ lục lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, trong quý IV/2022, VNZ ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 2.036, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2021. Giá vốn bán hàng giảm nhẹ xuống 1.119 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp đạt hơn 917 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của doanh nghiệp giảm 51,7% xuống còn 27,8 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng mạnh 525%, lên hơn 50 tỷ đồng; lỗ trong công ty liên kết gần 40 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 11 tỷ đồng.
Các chi phí khác như: Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng lần lượt 4% và 22,8%, lên hơn 699 tỷ đồng và hơn 448 tỷ đồng, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VNZ ghi nhận lỗ hơn 292 tỷ đồng. Kết quả, VNZ báo lỗ sau thuế hơn 547 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm 2022, cùng kỳ lỗ hơn 267 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2022, “kỳ lân” công nghệ VNG ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 7.800 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ hơn 1.315 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 71 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp ngành công nghệ này.
>>>VNG tiếp tục hỗ trợ Newborns Việt Nam 9 tỷ đồng trong hành trình nhân ái
Theo giải trình từ doanh nghiệp, nguyên nhân là do các công ty trong nhóm tiếp tục thúc đẩy hoạt động quảng cáo cho các sản phẩm mới, sản phẩm chiến lược, đầu tư mở rộng và phát triển các thị trường mới như Mỹ Latinh, các nước Ả Rập, châu Phi.
Ngoài ra, chi phí khác tăng cao do ghi nhận lỗ từ thanh lý tài sản (máy chủ, linh kiện, phụ tụng và thiết bị công nghệ thông tin), loại bỏ một số sản phẩm trò chơi không đạt kết quả trong hoạt động như kế hoạch dẫn đến sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, chiếm tới gần 49% tổng lỗ của năm 2022 là khoản lỗ lũy kế từ việc đầu tư của VNZ, tương đương với lỗ 643 tỷ đồng. Trong năm 2022, VNZ đã chi hơn 1.230 tỷ đồng đầu tư vào các công ty liên kết, tăng 4,5 lần so với đầu năm. Trong đó, đầu tư vào Tiki Global hơn 510 tỷ đồng, vào Dayone hơn 138 tỷ đồng, đầu tư Rocketeer với 33 tỷ đồng, Ecotruck gần 81 tỷ đồng, Beijing Youtu 35,3 tỷ đồng…
Hầu hết các khoản đầu tư của VNZ đều đang gánh lỗ, trong đó, đáng chú ý nhất là khoản đầu tư vào Tiki đã bị “ăn mòn” toàn bộ, bởi khoản lỗ lũy kế phải gánh từ Tiki đã bằng đúng với số tiền đầu tư (510 tỷ đồng). Các khoản đầu tư khác vào Telio, Funding Asia, và Ecotruck lỗ lần lượt là 58 tỷ đồng, 44 tỷ đồng và 24 tỷ đồng.
VNZ còn ghi nhận khoản lỗ của cổ đông không kiểm soát 457 tỷ đồng nhiều khả năng đến từ khoản đầu tư vào Công ty CP Zion – đơn vị sở hữu ví điện tử Zalo Pay. Thời điểm cuối năm 2022, khoản đầu tư vào Zion ghi nhận hơn 2.963 tỷ đồng, tăng 1.082 tỷ đồng sau một năm. Hiện tại, VNZ đang nắm giữ 69,98% cổ phần của Zion.
Không chỉ kinh doanh thua lỗ, VNG còn nhiều lần dính lùm xùm về vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của các đơn vị khác. Gần đây nhất, vào các ngày 23/8/2022, 19 và 29/9/2022, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã xét xử sơ thẩm vụ án về tranh chấp độc quyền khai thác tác phẩm điện ảnh trên lãnh thổ Việt Nam mà VNG là bị đơn. Theo đó, tòa án đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc VNG phải trả số tiền bồi thường hơn 14.3 tỷ đồng. Đồng thời tòa án cũng buộc Công ty VNG xin lỗi công khai nguyên đơn trên 3 tờ báo.
[wpcc-script language=”javascript” type=”text/javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script type=”text/javascript”]