Nghị quyết 24 về phát triển vùng Đông Nam Bộ và Nghị quyết 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 là cơ sở pháp lý để vùng phát triển.
>>>Tăng cường hợp tác giữa VCCI với chính quyền các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp
>>>Năm 2023 sẽ tiếp tục là năm thành công xuất sắc của VCCI
Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại buổi Gặp gỡ VCCI Xuân Quý Mão 2023, do VCCI tổ chức mới đây.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, trong năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 24 về phát triển vùng Đông Nam Bộ và Nghị quyết 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Ông đánh giá, đây là những định hướng, những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý để phát triển vùng Đông Nam Bộ, cũng như TP.HCM đúng với vai trò của một vùng kinh tế trọng điểm, trong đó, TP.HCM là đầu tàu, là trung tâm và là cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, sau khi Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 được ban hành, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM đã có chương trình hành động và hiện tại UBND Thành phố đang triển khai kế hoạch để triển khai thực hiện 2 Nghị quyết quan trọng này.
“Trong quá trình triển khai 2 Nghị quyết này, chúng tôi mong muốn VCCI quan tâm đóng góp ý kiến để làm sao lựa chọn trọng tâm về việc đầu tư, việc giải quyết các vướng mắc, tạo ra những thể chế đột phá, đúng và trúng, nhằm “khơi sức” của doanh nghiệp cũng như người dân Thành phố và các địa phương”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ.
Đối với Nghị quyết 24, Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin, Trung ương đã giao cho Thành phố triển khai thực hiện các Đề án quan trọng, cụ thể:
Dự án thứ nhất, là xây dựng Trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế. Ông khẳng định, đây là định hướng gần mà Thành phố sẽ thực hiện.
Dự án thứ hai là xậy dựng TP.HCM trở thành Trung tâm tài chính quốc tế. Hiện tại, Thành phố đang rà soát lại việc thực hiện để trở thành kênh dẫn vốn không chỉ cho TP.HCM, mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, ông cho rằng, cần phải có những bước đi phù hợp. Trước mắt là Trung tâm tài chính của khu vực, sau đó mới thành Trung tâm tài chính quốc tế.
Dự án thứ ba là xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm kết nối các sàn giao dịch công nghệ với các trung tâm đổi mới sáng tạo trên cả nước.
Dự án thứ tư là nghiên cứu, đề xuất và đầu tư cảng trung chuyển container tại Cần Giờ. Ông cho biết, hiện Thành phố đã cơ bản hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi và trong 6 tháng đầu năm nay, Thành phố sẽ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để thúc đẩy nhanh việc xây dựng dự án.
Dự án thứ năm là hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ logistics dọc theo các tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM và các tuyến cao tốc. Ông khẳng định, đây sẽ là một không gian mà cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm.
Dự án thứ sáu là phát triển chuỗi công nghiệp đô thị Mộc Bài – TP.HCM – Cái Mép. “Đây là 6 dự án lớn do TP.HCM chủ trì. Ngoài ra, các địa phương khác trong vùng Đông Nam Bộ cũng chủ trì nhiều đề án quan trọng khác có tính chất kết nối vùng, tạo ra hạ tầng, không gian phát triển cho cả vùng Đông Nam Bộ”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định.
Ngoài ra, các dự án theo Nghị quyết 24 giao cho Thành phố thực hiện như dự án Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực Asean, mang tầm quốc gia và khu vực; Trung tâm kiểm soát dịch bệnh gắn với trung tâm chăm sóc sức khỏe, có tầm khu vực. Hay như dự án xây dựng TP.HCM là khu công nghệ thông tin tập trung; dự án phát triển logistics cảng TP.HCM; các đường vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, đường ven biển TP.HCM, nhằm kết nối và mở rộng không gian phát triển giữa miền Đông và miền Tây.
>>>12 nhiệm vụ trọng tâm của VCCI trong năm 2023
Đối với dự án đường sắt đô thị, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, cuối năm nay, Thành phố sẽ khánh thành tuyến Metro 1 (Bến Thành – Suối Tiên), đồng thời, sẽ khởi công xây dựng tuyến Metro số 2 (Tham Lương – Bến Thành) và chuẩn bị cho tuyến Metro số 3.
“Thành phố sẽ có những đánh giá lại để có thể huy động được nguồn lực và tìm phương thức để triển khai các tuyến Metro này cùng lúc, để phát huy được hiệu quả của toàn tuyến. TP.HCM cố gắng đặt mục tiêu hoàn thành các tuyến Metro vào năm 2035”, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết. Đồng thời, ông cũng khẳng định, những nội dung chính của Nghị quyết 24 cũng đang được cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm. Trước hết, đó là những điều kiện để phát triển kinh doanh, cũng như cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư vào các địa phương trong vùng.
Đối với Nghị quyết 31, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, Nghị quyết đã khẳng định vị trí, vai trò của TP.HCM trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với vai trò là đàu tàu kinh tế, là cực tăng trưởng của vùng.
Theo người đứng đầu chính quyền TP.HCM, Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM là thành phố dịch vụ công nghiệp hiện đại, là đàu tàu kinh tế số, xã hội số. là Trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
“Đây là mục tiêu rất thách thức và cả nước cùng Thành phố, cũng như các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần có những kế hoạch chiến lược thì mới có thể thực hiện được. Trong quá trình thực hiện mục tiêu này, chúng tôi cũng rất mong muốn cộng đồng doanh nghiệp sẽ tham gia ở hai khía cạnh là góp ý tìm giải pháp và trực tiếp đầu tư”, Chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn.
Nói về những nhiệm vụ trọng tâm mà Thành phố sẽ thực hiện trong năm 2023, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong năm 2023, Thành phố sẽ tập trung thực hiện các dự án hạ tầng đô thị, đồng thời, quan tâm nhiều hơn đến các dự án hạ tầng kết nối như đường khàng không, đường thủy, đường bộ, đặc biệt cà các tuyến đường vành đai. Bên cạnh đó, Thành phố cũng tập trung các dự án hạ tầng số, trung tâm dữ liệu và các hạ tầng số để phục vụ cho việc phát triển chung của Thành phô, cũng như cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ tập trung các giải pháp để hoàn thiện thể chế. Trong năm 2023, TP.HCM đặt chủ để “Nâng cao hiệu quả công vụ, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư”. Đây là nhóm công việc chủ đề của năm 2023, mà Thành phố sẽ tập trung thực hiện.
“Hiện tại, Thành phố cũng đang đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thay thế cho Nghị quyết 54, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM. Nhưng trong giai đoạn mới, Thành phố không đề nghị theo hướng cơ chế chính sách đặc thù, mà đề xuất thí điểm các cơ chế chính sách vượt trội để TP.HCM có thể “khơi” được sức, huy động được nguồn lực cho phát triển. Ví dụ, Thành phố sẽ đặt vấn đề là TP.HCM sẽ quy hoạch đất đai và có cơ chế chính sách cần thiết để các nhà đầu tư kinh doanh, đầu tư phát triển y tế, giáo dục, văn hóa xã hội. Nhóm thứ hai là Thành phố đề nghị Trung ương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho TP.HCM được chủ động trong giải quyết, cũng như quyết sách các vấn đề được nhanh hơn”, Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ thêm.
[wpcc-script language=”javascript” type=”text/javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script type=”text/javascript”]