Mặc dù đánh giá cao việc tiếp tục đề xuất các giải pháp về giãn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí trong năm 2023, thế nhưng, theo chuyên gia, đây là việc cần thiết nhưng chưa đủ…
>> Doanh nghiệp khổ vì bị “ngâm” tiền hoàn thuế GTGT
Theo đó, dù dư địa chính sách tài khóa trong năm 2023 đứng trước nhiều khó khăn, song nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất các giải pháp về giãn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí trong năm 2023.
Cụ thể, về cơ bản, các chính sách tài khóa liên quan đến hỗ trợ thuế, phí cho doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi vẫn tiếp tục thực hiện trong năm 2023, tuy nhiên, gói hỗ trợ đã thực hiện phần lớn trong năm ngoái, chỉ còn khoảng 1/3 tổng gói hỗ trợ còn lại cho năm nay.
Theo Bộ Tài chính, đơn vị sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá các gói hỗ trợ đã hết hiệu lực, để đề xuất Chính phủ đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2023 này.
Thông tin với báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính – Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giãn, hoãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép gia hạn chính sách giảm tiền thuê đất, mặt nước năm nay như mức áp dụng trong năm 2022. Các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp, sẽ được giảm 30% tiền thuê đất, mặt nước phải nộp của năm 2023. Đồng thời, cũng đề xuất tiếp tục giãn, hoãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp.
Đáng nói, mới đây, Bộ Tài chính cũng đã hoàn thiện và đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2023.
>> Đối thoại doanh nghiệp tại TP.HCM: Nhiều câu hỏi về hoàn thuế GTGT… “bị nợ”
Theo Dự thảo Nghị định, với thuế GTGT, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 6 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 01 đến tháng 5/2023 và quý I/2023, gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 6/2023 và quý II/2023. Thời gian gia hạn tại điểm này được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Tổng số thuế GTGT gia hạn từ tháng 01 đến tháng 6/2023 và quý I, quý II/2023 là khoảng 64.000 – 65.000 tỷ đồng.
Còn đối với thuế TNDN, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN tạm nộp của quý I, quý II kỳ tính thuế TNDN năm 2023. Thời gian gia hạn là 3 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, ước tính số thuế được gia hạn khoảng 42.800 – 43.600 tỷ đồng.
Trong đó, theo tính toán của Bộ Tài chính, số thu ngân sách Nhà nước của năm 2023 không giảm do doanh nghiệp phải thực hiện nộp vào ngân sách Nhà nước trước ngày 31/12/2023.
Trước động thái đã nêu của Bộ Tài chính, không ít chuyên gia đánh giá, chính sách giãn, hoãn thuế là “một mũi tên trúng nhiều đích”, mang lại kết quả tốt cho cả doanh nghiệp, người dân và Nhà nước. Bởi số tiền thuế gia hạn nộp đồng nghĩa với việc giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng vốn lưu động. Ngược lại, ngân sách Nhà nước vẫn không giảm, thậm chí còn tăng nhờ nuôi dưỡng được nguồn thu.
Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách này, nhiều ý kiến cho rằng, cần triển khai hiệu quả nhiều chính sách khác để tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh năm 2023 được dự báo, tiếp tục là năm khó khăn đối với doanh nghiệp và nền kinh tế.
Thông tin với báo chí, ông Phạm Hải Long – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Saigon dẫn chứng thủ tục hoàn thuế VAT hiện vẫn rất chậm và cho rằng, điều này khiến số tiền chậm hoàn thuế VAT lên tới 40-50 tỷ đồng.
“Trước đây, cơ quan thuế hoàn thuế theo quý thì doanh nghiệp có nhanh dòng tiền để đưa vào sản xuất, mua nguyên vật liệu… Nhưng nay thủ tục hoàn chậm cả năm, số tiền rất lớn, doanh nghiệp buộc phải vay ngân hàng trả lãi, mà lãi lại đang tăng cao. Vì vậy, nếu hoàn nhanh thuế VAT sẽ giúp doanh nghiệp được rất nhiều”, ông Long bày tỏ.
Đồng quan điểm đã nêu, trước đó không ít ý kiến cũng cho rằng, việc kéo dài hoàn thuế VAT khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, phải huy động nguồn vốn để bù đắp lại khoản chưa được hoàn thuế VAT, phát sinh chi phí lãi vay. Trong khi hiện nay lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại quá cao, 13,3%-15%, gấp năm lần mức lạm phát (3,15%) khiến doanh nghiệp khó lòng cầm cự được.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, trước đó, các chuyên gia và doanh nghiệp cũng đều mong muốn, chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% tiếp tục được gia hạn bởi những hiệu quả đã mang lại khi đã giúp làm giảm giá bán của một số hàng hóa trên thị trường, qua đó làm tăng sức mua, góp phần tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất và giảm áp lực lạm phát.
[wpcc-script language=”javascript” type=”text/javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script type=”text/javascript”]