Bộ GTVT vừa trả lời kiến nghị của Cử tri Quảng Ninh về việc chậm tiến độ 17 năm của dự án đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long.
>> Lối thoát nào cho tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân?
Sẽ xem xét trong năm 2024?
Cử tri Quảng Ninh kiến nghị: “Việc dự án chậm tiến độ 17 năm đã ảnh hưởng lớn đến các hộ dân dọc tuyến đường (từ thị xã Đông Triều, TP. Uông Bí, đến TP. Hạ Long). Các hộ dân trong phạm vi dự án không được xây dựng, sửa chữa nhà ở, không tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất, không được cấp đổi Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất… ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống các hộ dân…
Đề nghị các Bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp quyết liệt để tháo gỡ, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân. Trong thời điểm chưa triển khai dự án, các Bộ ngành Trung ương cần phối hợp với tỉnh Quảng Ninh có hướng dẫn để người dân có thể cải tạo nhà ở, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an toàn, nâng cao đời sống của người dân ở khu vực dự án”.
Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh, Bộ GTVT cho biết sẽ tiến hành đánh giá tổng thể hiệu quả, phương án đầu tư, lập điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Yên Viên – Hạ Long.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri, Bộ GTVT cho biết, tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân có vai trò quan trọng trong phát triển hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Bộ GTVT đã triển khai đầu tư dự án từ năm 2005. Tuy nhiên, giai đoạn 2008-2011, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên dự án phải đình hoãn, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
>> Tuyến đường sắt Yên Viên-Phả Lại-Hạ Long-Cái Lân: “Chết lâm sàng” chờ chủ đầu tư
Mặt khác, nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn các giai đoạn vừa qua bố trí cho Bộ GTVT hạn chế, phải cân đối, ưu tiên bố trí đầu tư các công trình động lực theo các Nghị quyết của Đảng, Nhà Nước, Chính phủ. Do đó chưa thể bố trí nguồn vốn đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân.
Dự án được phê duyệt đầu tư đã lâu, đã có nhiều thay đổi về định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, khu vực dự án đi qua nên phương án đầu tư dự án cần phải được nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả.
Bộ GTVT đã giao Ban QLDA đường sắt lựa chọn tư vấn để tiến hành đánh giá tổng thể hiệu quả, phương án đầu tư, lập điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trong năm 2024.
Sống khổ vì dự án
Trước đó, DĐDN đã có nhiều bài phản ánh về dự án này. Theo đó, tuyến đường sắt Hạ Long – Hà Nội do Bộ GTVT làm chủ đầu tư có chiều dài 113 km với công suất đón tiễn đạt 12 chuyến/ngày. Dự án được phê duyệt từ năm 2005 với tổng mức đầu tư 7.665 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ, chia làm 4 tiểu dự án gồm: tiểu dự án Yên Viên – Lim; Lim – Phả Lại; Phả Lại – Hạ Long; Hạ Long – Cái Lân. Gần 20 năm nay dự án vẫn treo kéo theo sự khổ sở của hàng nghìn người dân.
Quảng Ninh có trên 3.600 hộ dân ở các địa phương gồm thành phố Hạ Long, Uông Bí, thị xã Đông Triều, Quảng Yên trong diện dự án đi qua bị ảnh hưởng. Từ khi được phê duyệt đến nay, dự án đã nhiều lần thay đổi về thời gian hoàn thành. Hàng nghìn hộ dân đã hết năm này qua năm khác trông chờ dự án tái khởi động.
Ông Trần Văn Nhuần, tổ 36C, khu 10 phường Quang Trung, thành phố Uông Bí bức xúc, dự án đường sắt đi qua nhà ông hơn chục năm nay nhưng chưa triển khai. Ông muốn tách sổ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho con hoặc xây nhà không được vì có dự án.
“Cứ như thế này, đến đời con, đời cháu cũng không xây được nhà để ở. Đã vậy, thời gian thực hiện lại tiếp tục kéo dài thì biết khi nào mới chuyển nhượng, tách sổ chia đất cho con cháu. Nếu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục triển khai dự án thì đề nghị tiến hành sớm”, ông Nhuần chia sẻ.
Cũng vì không thể tách sổ, chuyển nhượng hay xây dựng… mà gia đình 3 thế hệ nhà ông Nhuần sống chật chội trong căn nhà cấp 4 được xây dựng quá nửa thế kỷ. Cứ mưa là con cháu của ông phải lấy chậu hứng nước.
Anh Nguyễn Xuân Trường, tổ 8, khu 7, phường Thanh Sơn, TP Uông Bí, cho biết, hiện nay gia đình tôi đang muốn chuyển nhượng nhà đất cho người khác. Tuy nhiên, thành phố có công văn trả lời không được chuyển nhượng vì nằm trong vùng dự án. Do dự án đã “treo” từ rất lâu nên chúng tôi mong nếu thực hiện dự án thì thực hiện sớm, không thì đề nghị bỏ để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân.
“Do vướng quy hoạch, các hộ dân chúng tôi phải sống trong tình trạng không được xây cất, sửa chữa nhà ở, mưa thì dột nắng thì nóng. Mặt khác, cơ sở hạ tầng không được đầu tư xây dựng khiến cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Việc bán nhà hay vay vốn để mở mang phát triển kinh tế cũng bị kìm hãm, đúng là dân chúng tôi nghèo vì dự án treo quá lâu”, anh Trường bức xúc nói.
Trên địa bàn Quảng Ninh, còn nhiều hộ phải ở chung, 4 – 5 cặp vợ chồng, con cái sống trong 1 căn nhà chỉ vài chục m2 vì đất của họ thuộc dự án nên không được xây dựng, sửa chữa.
Ngay cả khi Bộ GTVT lựa chọn tư vấn để tiến hành đánh giá tổng thể hiệu quả, phương án đầu tư, lập điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trong năm 2024, thì dự án cũng khó có thể thực hiện lại ngay. Bởi theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 thì hàng nghìn hộ dân sẽ tiếp tục thấp thỏm chờ đợi, không chắc 1,2 năm mà có thể là 4 đến 8 năm nữa.
Vậy trong thời gian này, cuộc sống của người dân sẽ như thế nào? Đây có lẽ mới là vấn đề cấp bách mà các Bộ, ngành trung ương và đại phương cần sớm đưa ra giải pháp?
[wpcc-script language=”javascript” type=”text/javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script type=”text/javascript”]