Sử dụng các loại thực phẩm không an toàn, người tiêu dùng sẽ phải trả giá bằng chính sức khoẻ, thậm chí cả tính mạng của mình do bị ngộ độc thực phẩm.
>> Chống thực phẩm bẩn, vẫn còn… chồng chéo
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng được nhiều người quan tâm, nhất là sau vụ việc hàng chục người nhập viện sau khi ăn chè đậu trắng mới đây.
Báo động thực phẩm bẩn
Liên quan đến vụ nhiều người bị ngộ độc, xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn, ói, sốt… phải nhập viện sau khi ăn chè đậu trắng tại An Giang, theo báo cáo sơ bộ của Trung tâm Y tế huyện, tính đến sáng 6/2, 31 người phải đưa vào các cơ sở y tế để điều trị và đã qua cơn nguy hiểm, 4 ca nặng có dấu hiệu bị sốc nhiễm trùng. Trong đó, 2 bệnh nhân bị suy đa cơ quan, phải lọc máu liên tục và điều trị hồi sức tích cực. Nặng nhất là bệnh nhân N.TH. bị hôn mê, phải thở máy, lọc máu, dùng kháng sinh mạnh, tiên lượng xấu.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 1/2023 xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 30 người bị ngộ độc, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Hay từ vụ việc gần đây, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận một bệnh nhân bị ngộ độc cần sa sau khi ăn bỏng ngô được mua trên mạng.
An toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể của trường học cũng là mối quan tâm của toàn xã hội. Thực tế tại nhiều trường học, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề rất đáng lo ngại khi liên tiếp nhiều vụ ngộ độc tập thể xảy ra. Vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Ischool Nha Trang mới đây làm hơn 600 học sinh và giáo viên phải nhập viện điều trị, trong đó có 1 học sinh tử vong khiến tâm lý phụ huynh vô cùng hoang mang. Việc liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước đã tạo ra một hồi chuông cảnh báo cho người tiêu dùng hiện nay.
Thực tế cho thấy, tình trạng thực phẩm bẩn, thức ăn không rõ nguồn gốc hiện nay tại Việt Nam vẫn còn phức tạp. Một số thực phẩm biến chất cũng là nguy cơ dễ gây ra các vụ ngộ độc. Thêm vào đó, việc người sản xuất, kinh doanh sử dụng các loại thực phẩm kích thích trong chăn nuôi, các hoá chất trong chế biến. Dùng nước thải chăn nuôi để tưới rau làm cho các hàm lượng kim loại nặng và các vi sinh vật gây bệnh trong rau, củ, quả cao hơn nhiều so với quy định, hoặc thực phẩm không được rõ nguồn gốc. Nhiều cơ sở chế biến không bảo đảm vệ sinh theo đúng yêu cầu quy định của Nhà nước, quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm không an toàn sẽ gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ con người.
>> Thực phẩm bẩn vẫn luẩn quẩn từ… “lỗ hổng” pháp lý
>> Tết đến… lại canh cánh nỗi lo thực phẩm bẩn
>> Thực phẩm bẩn: Lương tâm là khái niệm… mơ hồ?
Đâu là giải pháp?
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng của người dân là tất yếu. Để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng cần phải tăng cường việc giám sát và kiểm duyệt, đảm bảo rằng các nhà cung cấp và sản xuất đều tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn.
Liên quan đến việc nhiều người lo lắng thực phẩm bẩn sẽ gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe, chia sẻ với báo Tiền Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho rằng: “Các vi phạm về an toàn thực phẩm chủ yếu là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc giấy chứng nhận hết hạn; không tiến hành khám sức khỏe, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho người lao động; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm”.
Do đó, người tiêu dùng cũng cần phải cẩn trọng khi mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm, chọn những sản phẩm từ các nhà sản xuất uy tín, tuân thủ các biện pháp an toàn thực phẩm.
Trao đổi với báo Hà Nội mới về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, các cơ quan chức năng không chỉ tăng cường thanh tra, kiểm tra mà còn truy xuất nguồn gốc thực phẩm để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng.
Thiết nghĩ, để bảo vệ người tiêu dùng trước vấn nạn thực phẩm bẩn, các cơ quan chức năng cần cần đẩy mạnh tuyên truyền, đưa ra các khuyến cáo cho người tiêu dùng và các cơ quan sản xuất, kinh doanh. Phối hợp giữa các cơ quan liên ngành tăng cường hoạt động quản lý, chỉ đạo về an toàn thực phẩm tại các địa phương, nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý và tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh thực phẩm tại các cơ quan sản xuất.
Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh, sản xuất cần thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong kinh doanh, có đầy đủ giấy phép đăng ký kinh doanh. Bố trí khu vực chế biến thực phẩm hợp lý, bảo đảm thông thoáng, sạch sẽ. Thực phẩm chế biến có nguồn gốc rõ ràng, an toàn; không sử dụng những chất cấm trong quá trình sản xuất.
Đặc biệt, người dân cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt chất lượng thực phẩm. “Để bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, người dân cần tuân thủ tuyệt đối 4 nguyên tắc. Đó là: Nguồn gốc thực phẩm bảo đảm; yếu tố con người trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm; vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường. Với người tiêu dùng phải tìm hiểu kiến thức về an toàn thực phẩm, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn”. Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội) Lê Thị Hằng nói.
[wpcc-script language=”javascript” type=”text/javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script type=”text/javascript”]